Việc TP Thủ Đức sắp ra mắt ngày 1/1 được dự báo sẽ "thổi lửa" vào thị trường địa ốc phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Những ngày cuối năm 2020, trục đô thị phía Đông Sài Gòn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản khi liên tiếp đón nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là Nghị quyết về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM đã được chính thức thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Mới đây, chính quyền thành phố cũng xác nhận dự kiến ngày 31/12, Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức sẽ được công bố.
Là sự sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9 và quận Thủ Đức, TP Thủ Đức, lại tiếp giáp quận 1, 12, Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nên theo các chuyên gia, những đợt sóng đầu tư về thành phố phía Đông này sẽ mạnh dần lên trong thời gian tới.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, TP Thủ Đức sẽ là động lực lớn cho thị trường địa ốc TP HCM trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn là đến năm 2030. Nơi đây sẽ thành điểm nóng mới nhất và sáng nhất, dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại Sài Gòn trong thập niên tới.
Ông Châu đánh giá, TP Thủ Đức hiện là địa bàn có nhiều dự án khu đô thị hiện đại nhất Sài Gòn và đây chính là nguồn cung nhà ở, bất động sản thương mại dịch vụ dồi dào trong thời gian tới. Các dự án đại đô thị quy mô hàng trăm ha thuộc điểm nóng này trải dài khắp các quận 2, 9, Thủ Đức. Trong vòng 5-10 năm tới, thành phố mới này sẽ tung ra thị trường nhiều loại hình bất động sản đa dạng. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vì tiềm năng phát triển rất lớn.
Chủ tịch HoREA phân tích thêm, trên thực tế, từ khi chưa có khái niệm TP Thủ Đức, 3 quận trực thuộc khu Đông Sài Gòn gồm quận 2, 9, Thủ Đức từng là tâm điểm của nhiều đợt tăng giá đất giai đoạn 2016-2018 và hút nhiều vốn phát triển hạ tầng vượt trội so với các trục đô thị phía Nam và phía Tây. Tuy nhiên, với Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức, động lực phát triển của trục đô thị này sẽ lớn hơn, và bứt phá nhanh hơn phần còn lại của thị trường.
Tuy nhiên, ông Châu cho hay điều đáng quan ngại nhất là khi thị trường bất động sản tại đây tăng nhiệt nhanh chóng, nhiều khả năng các sản phẩm nhà ở, thương mại, dịch vụ chỉ hướng đến phân khúc cao cấp, hạng sang, phục vụ giới nhà giàu và giới có thu nhập cao. Điều này khiến người nghèo, có thu nhập khiêm tốn từng sống tại các quận 2, 9, Thủ Đức bị dạt ra khỏi tiến trình phát triển đô thị và bị bỏ lại phía sau. Do đó, điểm cần cân nhắc của một thành phố mới chính là không để ai tụt lại phía sau, cần có chính sách tái định cư hợp lý cho những người dân bản địa.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE nhận xét, trong năm 2020, khu Đông TP HCM là nơi sôi động hơn cả dù số lượng dự án chào bán mới không còn dồi dào như các năm trước. Đây là khu vực được đầu tư hạ tầng phát triển, các chính sách quy hoạch, đặc biệt là thông tin về TP Thủ Đức đang tạo động lực lớn cho thị trường.
Ông Kiệt dự báo trong các năm 2020-2025, khu Đông vẫn là khu vực quyết định trọng điểm các sản phẩm, đặc biệt là mảng căn hộ, trong đó có cả sản phẩm cao cấp và hạng sang. Nếu như thống kê từ năm 2015, khu Đông chỉ có khoảng hơn 55.000 căn hộ chiếm khoảng 34% nguồn cung trên tổng số nguồn cung. Đến năm 2025 thì nguồn cung của khu vực này dự báo khoảng 200.000 căn chiếm khoảng 44% tổng nguồn cung của thị trường. Các yếu tố về hạ tầng, quy hoạch khu Đông chiếm lợi thế rất lớn.
Mặc dù thừa nhận sức nóng của thành phố mới, ông Kiệt khuyến cáo các nhà đầu cơ và đầu tư nhảy vào thị trường bất động sản tại TP Thủ Đức cần thận trọng và có chiến lược dài hơi thay vì lướt sóng. Bởi lẽ, trong giai đoạn ngắn, các đòi hỏi phải tăng trưởng và biến đổi về chất là rất khó vì cần nhiều thời gian để thúc đẩy chuỗi giá trị nhà ở.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng xác nhận, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường địa ốc phía Đông Sài Gòn về cả nguồn cung lẫn chuỗi giá trị trong tương lai. Tuy nhiên, ông Khương cảnh báo không nên chỉ xem đây là cơ hội để buôn bán, kinh doanh bất động sản, cần định hướng mục tiêu xem TP Thủ Đức là một trung tâm kinh tế. Như vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, nhà ở...
Ông Khương phân tích, xây dựng được một đô thị là câu chuyện của nhiều thế hệ và cần phải mang tính kế thừa, TP Thủ Đức cũng vậy. Trên cơ sở đó, xây dựng TP Thủ Đức sẽ là câu chuyện của 20 năm, 30 năm sau và phải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, đòi hỏi mang tính kế thừa và xuyên suốt. Nếu không làm được điều này chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn cho người làm kinh doanh ở mỗi thời điểm khác nhau.
Chuyên gia này cũng đưa ra 3 điều kiện tiên quyết để TP Thủ Đức hình thành nên một đô thị như kỳ vọng của Chính phủ và chính quyền TP HCM. Thứ nhất là ý chí và quyết tâm về chính trị. Thứ hai là nguồn lực, bao gồm 2 vấn đề chính là năng lực tài chính và năng lực triển khai.
Ngoài ra, kinh tế đô thị cũng là một bài toán lớn. Phải làm sao để người dân tập trung về đây có thể sống và làm việc, chứ không phải cứ đổi tên thì nơi đó sẽ trở thành một đô thị. Đô thị đó phải giải quyết được bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo được tính liên kết vùng giữa Thủ Đức và các tỉnh lân cận.
"Nếu thực hiện được 3 điều kiện trên, TP Thủ Đức sẽ là cú huých lớn cho TP HCM nói riêng và quốc gia nói chung trong việc đóng góp và thúc đẩy phía Đông Sài Gòn trở thành một thành phố năng động và đóng góp vào nền kinh tế, vào ngân sách Chính phủ", ông Khương cho hay.
Trung Tín (VnExpress)