Xem xét giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp bất động sản

Xem xét giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp bất động sản

Việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp ngân hàng giảm được nguy cơ nợ xấu, từ đó giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro và tạo điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và văn bản số 178/TT-CN ngày 27/3 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở) và Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng) theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, xem xét giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền về kiến nghị của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản; xây dựng cổng thông tin điện tử về quy hoạch, xây dựng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.

Trước đó, SACA, VSCE và  Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, TBT Nguyễn Phú Trọng… kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.

Theo văn bản này, hầu hết doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế, nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được.

Do đó, SACA, VSCE và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản; nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản; xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản bao gồm quy hoạch, xây dựng thể hiện công khai, minh bạch thông tin về thị trường, cập nhật thường xuyên thông tin quy hoạch, thông tin pháp lý, thông tin về tiến độ cơ bản của dự án, thông tin về tình hình mua bán bao gồm số lượng và giá giao dịch tại từng thời điểm.

Về phía NHNN mới đây cũng có thư mời các tổ chức tín dụng dự buổi làm việc về dự thảo thông tư quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Buổi làm việc dự kiến diễn ra ngay vào thứ 2 (17/4) tới.

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2023 vừa diễn ra, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là cần thiết, song cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giãn, hoãn nợ chỉ phát huy tác dụng khi đi kèm quy định “được giữ nguyên nhóm nợ”; nếu không, theo quy định hiện hành, những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ bị xếp vào nhóm nợ thấp hơn.

Không chỉ doanh nghiệp, mà ngay cả các ngân hàng cũng được hưởng lợi nếu chính sách này được ban hành. Theo đó, việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp ngân hàng giảm được nguy cơ nợ xấu, từ đó giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Điều đó cũng tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm nguồn lực để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, NHNN cần tính toán thời gian cơ cấu lại nợ hợp lý bởi những bất ổn đối với kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn kéo dài, nhất là sau những bất ổn mới đây trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp khó có thể tránh khỏi những tác động bất lợi từ kinh tế toàn cầu.

Theo The Leader